An ninh quốc phòng

AN TOÀN PCCC&CNCH TẠI CHUNG CƯ, NHÀ CAO TẦNG

11/05/2023 10:15
Để đảm bảo an toàn PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng, cần làm tốt một số nội dung sau:

I. Chủ đầu tư, Ban quản trị, Đơn vị quản lý vận hành và mỗi người dân cần thực hiện tốt những nội dung sau:

1. Ban hành nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của tòa nhà; Thường xuyên phổ biến, quán triệt tới cán bộ, công nhân viên, người dân chấp hành tốt nội quy, quy định đã được ban hành.

2. Không bố trí tập trung quá nhiều chất dễ cháy, hàng hóa trong một khu vực. Hàng hóa phải được kê thành từng chồng đảm bảo tạo khoảng cách an toàn ngăn cháy lan và tạo lối thoát nạn thông thoáng.

3. Không sử dụng đồng thời quá nhiểu thiết bị điện trong thời gian dài tránh dẫn đến hiện tượng chập, ngắn mạch, đoản mạch phát sinh nguồn nhiệt gây cháy. Tại nơi có thiết bị tiêu thụ điện không bố trí chất cháy quanh khu vực đó.

4. Trong quá trình sửa chữa, cải tạo các hạng mục trong công trình cần đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và an toàn phòng cháy chữa cháy; nhất là hàn cắt phải có biện pháp che chắn, đảm bảo an toàn trong quy trình hàn, cắt.

5. Cần có biện pháp quản lý việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nhất là với ngọn lửa trần phục vụ sinh hoạt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, hút thuốc lá…

6. Thường xuyên tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, canh gác, đặc biệt là thời gian ngoài giờ làm việc để kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố cháy, nổ xảy ra.

7. Tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng, lắp đặt bổ sung trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, chăn chiên, đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố, thiết bị phá dỡ… để sử dụng khi cần thiết.

II. Phòng tránh tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ tại nhà nhiều tầng và chung cư cao tầng:

1. Lan can tại khu vực ban công, lô gia của nhà ở gia đình và chung cư cao tầng phải được lắp đặt có chiều cao tối thiểu 1,6m.

2. Không nên để trẻ nhỏ dưới 06 tuổi ở nhà một mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Luôn luôn nhắc nhở và căn dặn trẻ nhỏ không chơi gần ban công, cửa sổ; đặc biệt cấm trẻ leo trèo lên ban công, cửa sổ.

3. Trẻ em trên 6 tuổi mà tự ở nhà một mình thì cha mẹ nên kiểm tra kỹ đồ dùng, thiết bị điện, bếp gas… trong nhà; thường xuyên gọi điện thoại về nhà kiểm tra trẻ đang làm gì, đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

4. Có thể bảo vệ cửa sổ, ban công bằng cách lắp đặt lưới đặc chủng an toàn có khoảng cách giữa các sợi lưới cách nhau không quá 10cm; trường hợp lắp lồng sắt, lưới sắt cố định phải mở cánh cửa trên lồng thép rộng tối thiểu 0,8m để đảm bảo thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra.

II. Thoát nạn và xử lý khi có cháy xảy ra.

Khi phát hiện sự cố cháy, nổ người dân cần thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên phải báo động cháy bằng cách hô hoán hoặc ấn nút báo cháy, sau đó khẩn trương sử dụng các phương tiện chữa cháy để dập lửa và gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại: 114 hoặc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Hoàng Mai theo số điện thoại 024 36343493.

2. Sử dụng các phương tiện sẵn có để dập tắt đám cháy. Nếu không chữa cháy được các bạn tìm lối thoát nạn nhanh nhất có thể.

3. Tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn “EXIT - LỐI RA” hoặc đèn chỉ dẫn mũi tên màu xanh. Hãy sử dụng cầu thang bộ, không dùng thang máy.

4. Trên đường thoát nạn, báo cho hàng xóm hay người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.

5.  Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu, lên người.

6. Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu không nhìn thấy lối thoát nạn thì nên lần, sờ theo một bên tường để đi, chắc chắn sẽ tìm thấy cửa ra. Nên dùng khăn ướt bịt miệng mũi. 

7. Nếu phải mở cửa,

- Hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở.

- Khi mở nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nên cúi sát người xuống sàn khi mở cửa.

- Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.

- Nếu khói lùa vào căn hộ (phòng), dùng vải, khăn ướt nhét vào khe cửa; hoặc dùng băng dính dán kín các khe hở để ngăn khói vào nhà.

- Sau đó tìm lối thoát sang các phòng khác.

8. Nếu không có lối ra, hãy di chuyển ra ban công, cửa sổ vì ở đó thường hay lắp ống thoát hiểm, ròng rọc cá nhân hay xe thang của Lực lượng PCCC&CNCH đưa vào để cứu người. Từ đây hãy gọi to, dùng khăn, áo sáng màu ra hiệu cho Lực lượng PCCC&CNCH biết.

9. Trong khi chờ Lực lượng PCCC&CNCH hãy dùng các phương tiện có sẵn như: kìm cắt cửa, dây đai thoát nạn, ống thoát hiểm ... để thoát ra. 

       10. Nếu ở tầng thấp (từ tầng 6 trở xuống) và có đệm hơi cứu hộ ở dưới thì có thể (ra hiệu cho bên dưới chuẩn bị và nhảy xuống)./.