Hoạt động giáo dục – y tế

Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh

08/01/2024 09:01
Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27/12) là sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cùng với 5 quốc gia khác. Vào ngày này hàng năm, tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sẽ cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn ở cấp độ toàn cầu.

Ngày này được chọn làm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới. Kể từ đó, ngày này càng trở nên quan trọng, ghi nhận sự cần thiết phải chuẩn bị toàn cầu cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Tại nước ta, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp các giải pháp chống dịch. Dịch Covid-19 đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả, góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao. Từ ngày 20/10/2023, Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A được chuyển sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đáng chú ý, không chỉ thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, những năm qua Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống các bệnh mới nổi như: MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúmA/H5N1, cúm A/H5N6... Đặc biệt, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận thanh toán bệnh bại liệt năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2002 và hướng tới loại trừ bệnh sởi thời gian tới.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước. Với phương châm phòng bệnh “từ sớm, từ xa”, Bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn như: Hướng dẫn giám sát Covid-19; hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ; hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Ngành y tế thường xuyên theo dõi, chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Thực hiện giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện nhằm phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng và tử vong; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình gen phát hiện sớm các biến thể mới, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp; phối hợp ngành nông nghiệp giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm để xử lý triệt để, kịp thời với mục tiêu không để dịch bệnh lây từ động vật sang người…

Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, quán triệt quan điểm phòng bệnh từ sớm, từ xa, và chủ động, hạn chế để dịch bùng phát, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch “Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh” với chủ đề "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh", nhằm nâng cao ý thức của người dân và tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh, đồng thời phát động phong trào thi đua phòng, chống dịch bệnh năm 2024.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, Trung tâm Y tế Hoàng Mai đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 212/KH- TTYT ngày 26/12/2023 của Trung tâm Y tế Hoàng Mai về Đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng y tế phục vụ các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Các đơn vị y tế tăng cường thông tin, giới thiệu về Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và đẩy mạnh truyền thông về các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm gia cầm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng đối với việc phòng, chống dịch. Tất cả mọi người dân đều có trách nhiệm và hãy cùng chung tay với ngành Y tế và các cấp chính quyền địa phương phòng ngừa, chuẩn bị, đáp ứng với dịch bệnh.

Để góp phần hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, từng người dân cần thực hiện nghiêm nội dung khuyến cáo ngành y tế đề ra trong công tác phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19 như: thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm...

• Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh;

• Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác;

• Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở;

• Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng;

• Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh;

• Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;

• Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;

• Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh;

• Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục;

• Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;

• Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;

• Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;

• Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời;

• Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh;

• Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;

• Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người./.